Thiết quân luật thường được áp dụng như một biện pháp tạm thời nhằm duy trì trật tự trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, xâm lược từ nước ngoài hoặc bạo loạn. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy rằng cả các chế độ độc tài lẫn dân chủ đều không ít lần lạm dụng thiết quân luật để đàn áp phe đối lập chính trị hoặc củng cố quyền lực. Trong bài viết này, Pywar sẽ chia sẻ 6 quốc gia tuyên bố thiết luật quân và mặt tối của nó.
Thiết quân luật là gì?
Thuật ngữ “thiết quân luật” bắt nguồn từ từ “martial,” mang nghĩa liên quan đến quân đội, được dẫn xuất từ Mars vị thần chiến tranh trong thần thoại La Mã cổ đại. Dưới chế độ thiết quân luật, nhiều chức năng vốn thuộc về chính quyền dân sự sẽ được chuyển giao cho quân đội, bao gồm việc ứng phó khẩn cấp, thực thi pháp luật và thậm chí cả hoạt động của tòa án.
Về lý thuyết, các luật hiện hành, bao gồm cả những quyền được bảo vệ theo hiến pháp và tự do dân sự, không nên bị thay đổi khi áp dụng thiết quân luật. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết quân luật thường được sử dụng như một công cụ hợp pháp để giam giữ người mà không qua xét xử công bằng.
“Vấn đề là thiết quân luật thường trở thành cái cớ cho các nhà lãnh đạo chuyên chế,” giáo sư luật Stephen Vladeck tại Đại học Georgetown nhận xét. “Thách thức nằm ở việc phân biệt giữa các trường hợp hiếm hoi và đặc biệt khi thiết quân luật thực sự cần thiết và các trường hợp phổ biến hơn, khi nó được sử dụng để đàn áp quyền tự do dân sự, xâm phạm quyền lợi của chúng ta hoặc lật đổ các thể chế dân chủ.”
Dưới đây là 6 sự kiện đáng chú ý về việc ban bố thiết quân luật, cả ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
- Thuật ngữ “thiết quân luật” bắt nguồn từ từ “martial,” mang nghĩa liên quan đến quân đội, được dẫn xuất từ Mars vị thần chiến tranh trong thần thoại La Mã cổ đại. (Nguồn: sưu tầm)
Nội chiến Mỹ (1862-1866): Thiết quân luật trong thời kỳ chiến tranh
Trong thời chiến, việc ban bố thiết quân luật có thể được xem là hợp lý, đặc biệt khi một nửa đất nước đang đối đầu với nửa còn lại. Tổng thống Abraham Lincoln đã sử dụng thiết quân luật một cách rộng rãi trong thời Nội chiến Hoa Kỳ, đặc biệt tại các khu vực chính quyền địa phương bị rối loạn hoặc không đủ khả năng thực thi luật pháp của Liên bang. Các khu vực này bao gồm các bang biên giới như Missouri, Kentucky và Indiana.
Lincoln đã ban hành nhiều tuyên bố cho phép sử dụng các tòa án quân sự thay vì tòa án dân sự để xét xử những người bị nghi là ủng hộ phe Liên minh miền Nam. Tuyên bố số 94, được ký năm 1862, mở rộng thiết quân luật áp dụng cho “tất cả những kẻ nổi loạn, khởi nghĩa, những người hỗ trợ hoặc tiếp tay cho họ, cũng như những ai ngăn cản việc tuyển quân tình nguyện, chống đối lệnh gọi nhập ngũ, hoặc thực hiện các hành vi không trung thành gây hỗ trợ cho kẻ nổi loạn chống lại chính quyền Hoa Kỳ.”
Sau chiến tranh, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra một quyết định mang tính cột mốc, chỉ trích chính quyền Liên bang vì vượt quá thẩm quyền. Trong vụ Ex parte Milligan (1866), tòa án phán quyết rằng các tòa án quân sự chỉ được sử dụng khi không có tòa án dân sự hoạt động. Điều này không đúng trong trường hợp ở Indiana, nơi bị cáo Lambden P. Milligan bị kết án tử hình vì tội không trung thành với Liên bang.
“Tòa án đã nhấn mạnh rằng thiết quân luật không phù hợp khi các tòa án dân sự ‘vẫn mở cửa và hoạt động mà không bị cản trở,’” giáo sư Stephen Vladeck giải thích. “Điều này làm rõ giới hạn của thiết quân luật, rằng khi hệ thống tòa án dân sự có thể thực thi nhiệm vụ của mình, không có lý do chính đáng nào để duy trì thiết quân luật.”
- Cảnh giao tranh trong Nội chiến Mỹ và việc ban bố thiết quân luật. (Nguồn: Sưu tầm)
Đức (1933-1945): Thiết quân luật và sự trỗi dậy của chế độ phát xít
Năm 1933, Adolf Hitler và Đảng Quốc Xã đã từ một thế lực mờ nhạt vươn lên nắm quyền lãnh đạo Đức trong một chính phủ liên minh. Dựa trên làn sóng bất mãn của người dân Đức sau thất bại trong Thế chiến I và cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Hitler đổ lỗi mọi vấn đề của đất nước lên các “âm mưu Do Thái” và cộng sản.
Ngày 27 tháng 2 năm 1933, tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) tại Berlin bị thiêu rụi. Cảnh sát Đức bắt giữ một lao động người Hà Lan, người được cho là đã thú nhận rằng vụ đốt phá nhằm khơi dậy một cuộc nổi dậy cộng sản. Hitler đã lợi dụng vụ cháy Reichstag để kích động nỗi sợ hãi về một cuộc cách mạng cộng sản và thuyết phục Quốc hội Đức ban hành thiết quân luật.
Tuyên bố này, được gọi là Nghị định Cháy Reichstag, vượt xa phạm vi thông thường của thiết quân luật. Thay vì chỉ đặt các cơ quan dân sự dưới sự kiểm soát quân sự, luật của Hitler đã đình chỉ hầu hết các quyền tự do dân sự của công dân Đức, bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tụ họp, và nhiều quyền khác. Lực lượng cảnh sát quân sự Quốc Xã, gọi là Sturmabteilung hay “lực lượng bão táp,” đã bắt giữ hàng ngàn người bị nghi là cộng sản và giam giữ họ mà không qua xét xử.
Tình trạng “khẩn cấp” năm 1933, được viện dẫn để ban hành Nghị định Cháy Reichstag, đã mở đường cho một chế độ độc tài phát xít toàn diện, chỉ kết thúc khi Đức thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
- Adolf Hitler và hàng quân Đức trong giai đoạn thiết quân luật. (Nguồn: Sưu tầm)
Hawaii (1941-1944): Thiết quân luật và sự vi phạm quyền công dân
Sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, toàn bộ quần đảo Hawaii được đặt dưới thiết quân luật. Tuy nhiên, thay vì chỉ là biện pháp tạm thời cho đến khi chính quyền dân sự được khôi phục, thiết quân luật đã kéo dài suốt Chiến tranh thế giới thứ 2.
Hawaii vào thời điểm đó chưa phải là một bang, nhưng vẫn là lãnh thổ của Hoa Kỳ với đầy đủ các quyền theo Hiến pháp. Dưới thiết quân luật, công dân Hawaii bao gồm nhiều người gốc Nhật thường xuyên bị tước đoạt các quyền cơ bản, như quyền được xét xử công bằng.
Trong thời gian này, quân đội đảm nhiệm tất cả các vai trò của chính quyền dân sự tại Hawaii, từ thu gom rác thải đến xét xử các vụ án hình sự không liên quan đến mối đe dọa quân sự. Một ví dụ điển hình là trường hợp Harry White, một nhân viên môi giới chứng khoán bị bắt và kết tội tham ô bởi tòa án quân sự, thay vì được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn dân sự.
White và nhiều người khác đã đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Trong phán quyết Duncan v. Kahanamoku (1946), Tòa án khẳng định rằng việc áp dụng thiết quân luật tại Hawaii là vi hiến. Sau khi mối đe dọa quân sự ban đầu qua đi, công dân Hawaii lẽ ra phải được xét xử bởi các cơ quan dân sự thay vì quân sự.
“Bài học ở đây là thiết quân luật có thể cần thiết ngay sau một cuộc khủng hoảng tự nhiên hoặc nhân tạo,” giáo sư Stephen Vladeck nhận xét. “Nhưng mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua khi chính quyền dân sự dần hồi phục sẽ là lý do ngày càng mạnh mẽ để chấm dứt thiết quân luật.”
- Căn cứ hải quân Trân Châu Cảng trong thời kỳ thiết quân luật. (Nguồn: Sưu tầm)
Philippines (1972-1981): Thiết quân luật dưới chế độ Ferdinand Marcos
Năm 1972, Ferdinand Marcos, tổng thống Philippines, sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng. Trong khi phần lớn người dân Philippines sống trong nghèo khổ, Marcos và vợ ông, Imelda một cựu hoa hậu có cuộc sống xa hoa. Quyết tâm duy trì quyền lực, Marcos tuyên bố kế hoạch giữ chức thủ tướng trong chính phủ nghị viện mới. Khi các cuộc biểu tình nổ ra, ông đổ lỗi cho một âm mưu cộng sản và ban hành thiết quân luật, kéo dài gần một thập kỷ.
Dưới thiết quân luật, bất kỳ sự phản đối nào đối với chế độ Marcos đều bị đàn áp tàn bạo. Hàng chục nghìn người Philippines bao gồm sinh viên, nhà báo, học giả và lãnh đạo tôn giáo—bị bắt giữ, giam cầm và tra tấn một cách tùy tiện. Nhiều người bị hành quyết, trong đó có nhà lãnh đạo đối lập Benigno Aquino Jr.
Sau khi thiết quân luật được bãi bỏ vào năm 1981, Marcos thất bại trong cuộc bầu cử trước góa phụ của Aquino, nhưng tuyên bố kết quả bị gian lận. Khi các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước bùng phát, Marcos được các quan chức Mỹ đưa đến Guam và sau đó sống lưu vong ở Hawaii, nơi ông qua đời.
- Quốc hội Philippines trong giai đoạn thiết quân luật dưới thời Ferdinand Marcos. (Nguồn: Sưu tầm)
Trung Quốc (1989): Thiết quân luật và sự kiện thảm sát Thiên An Môn
Tháng 4 năm 1989, các sinh viên biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh kêu gọi cải cách chính trị và kinh tế. Thời điểm này, sự kiểm soát của chủ nghĩa cộng sản đang suy yếu ở Liên Xô và các quốc gia vệ tinh, và sinh viên hy vọng Trung Quốc cũng sẽ tiến hành cải cách tương tự. Sau vài tuần, số người biểu tình tại Thiên An Môn đã tăng lên hơn một triệu, thu hút sự chú ý không mong muốn từ truyền thông quốc tế.
Ngày 20 tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh, cam kết rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) chỉ được triển khai để khôi phục trật tự và đảm bảo an ninh công cộng, không nhằm đàn áp các cuộc biểu tình.
“Việc triển khai quân đội PLA chắc chắn không nhằm vào các sinh viên,” ông Lý nói. “Hy vọng rằng mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các đảng dân chủ sẽ ủng hộ PLA trong hành động bảo vệ thủ đô và duy trì an ninh công cộng. Mong rằng các bạn sẽ hiểu và ủng hộ họ.”
Khi các binh lính PLA đến Bắc Kinh, họ đối mặt với sự kháng cự ôn hòa từ người dân, những người khuyến khích binh sĩ từ bỏ vũ khí và gia nhập phong trào. Tuy nhiên, quân đội đã thực hiện một cuộc đàn áp tàn bạo. Vào các đêm 3 và 4 tháng 6, binh lính Trung Quốc sử dụng xe tăng và súng máy tấn công Quảng trường Thiên An Môn. Số người thiệt mạng tại Bắc Kinh không bao giờ được biết chính xác, nhưng ước tính có thể lên đến hàng nghìn.
- Quân đội Trung Quốc và người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989. (Nguồn: Sưu tầm)
Hàn Quốc (2024): Thiết quân luật và khủng hoảng chính trị nghiêm trọng
Ngày 3 tháng 12 năm 2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp trên toàn quốc, cáo buộc các thế lực chống đối và ủng hộ Triều Tiên đang âm mưu lật đổ chính phủ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng thiết quân luật, gây ra làn sóng phẫn nộ trong nước và sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi lệnh được ban hành, quân đội và cảnh sát bao vây tòa nhà Quốc hội, ngăn cản các nghị sĩ tiếp cận. Tuy nhiên, chỉ sau 6 giờ, Quốc hội đã họp khẩn cấp và thông qua nghị quyết hủy bỏ lệnh thiết quân luật, buộc Tổng thống Yoon phải rút lại quyết định.
Sự kiện này đã làm bùng phát một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Ngày 14 tháng 12, Quốc hội thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, cáo buộc ông vi phạm Hiến pháp khi ban hành thiết quân luật trái phép. Đến ngày 31 tháng 12, Tòa án quận phía tây Seoul phát lệnh bắt giữ ông Yoon, khiến ông trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đối mặt với lệnh bắt giữ.
- Lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc trong thời điểm thiết quân luật. (Nguồn: Sưu tầm)
Lời kết
Thiết quân luật, dù là biện pháp tạm thời nhằm duy trì trật tự, đã nhiều lần bị lạm dụng để củng cố quyền lực và đàn áp tự do. Từ Nội chiến Mỹ, Đức Quốc Xã đến sự kiện Thiên An Môn hay Hàn Quốc 2024, mỗi sự kiện đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và giá trị dân chủ. Pywar mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn và trân trọng các bài học lịch sử. Và đừng quên khám phá, tìm hiểu thêm các bài viết khác về chiến tranh tổng hợp và tin tức mới nhất
Biên dịch tập nội: Lê Tuấn
Nguồn: history.com – 5 Times That Martial Law Was Declared